Khâu Vai là phiên chợ tình nổi tiếng có một không hai ở nước ta. Chợ Khau Vai (Khau Vai theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là đèo gai) còn gọi là chợ Phong Lưu, chợ tình Khau Vai, có từ gần 100 năm nay.Có nguồn nói là từ năm 1919. Chợ nằm ở xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang, Việt Nam và chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch.thậm chí còn độc đáo và hiếm có trên toàn thế giới. Từ chiều 26/3 âm lịch từ khắp các nẻo đường chênh vênh trên núi cao, những người dân trong trang phục của dân tộc mình, đã ríu ran, rộn ràng xuống chợ. Những người ở bản xa, cách chợ tình Khâu Vai những ba quả núi, bốn năm con suối, thì đi từ sớm hơn.
Giao lưu, tâm tình tại chợ tình Khâu Vai Ảnh nguồn: Internet |
Truyền thuyết chợ tình Khâu Vai
Chuyện xưa kể lại rằng: Có chàng trai người Giáy thương yêu và lấy cô gái người Nùng, bất chấp luật lệ cấm đoán của hai dân tộc và sự ngăn cản của hai gia đình. Vì chuyện hôn nhân ấy mà hai tộc họ thù hằn nhau.
Chàng trai thôi khèn say đắm lòng người Ảnh nguồn: Internet |
Một hôm đôi trai gái ấy đang ngồi bên nhau thì phải chứng kiến cảnh hai dòng họ đánh nhau dữ dội. Biết vì mình mà gây nên mối hận thù ấy, họ đành lòng chia tay nhau trong nỗi sót đau nuối tiếc để giải mối hận hận thù giữa hai tộc người. Sau này hai người cũng đã yên bề gia thất, tuân theo tục lệ của dòng tộc, nhưng trong lòng họ không thể quên được hình bóng nhau.
Khi đôi trai gái chia tay nhau, họ đã cắt máu thề: Dù không lấy được nhau nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 27/3 họ lại lên Khau Vai hát cho nhau nghe, kể với nhau những thầm kín ấp ủ trong lòng trong suốt một năm xa nhau. Họ tâm tình, ca hát hết đêm rồi đến hết đêm hôm sau rồi lại trở về với cuộc sống ngày thường. Ngày cuối cùng của cuộc đời, họ lại đến với nhau. Họ tìm đến gốc cây rừng và ngồi bên hòn đá thề năm xưa, ôm chặt nhau cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Họ ra đi cũng đúng vào ngày 27/3- ngày mà năm nào họ quyết định chia tay. Dân làng đã dựng hai miếu thờ là “miếu Bà” và “miếu Ông” ngay chính nơi họ mất để tưởng nhớ về mối tình trai gái.
Chợ tình Khâu Vai người Mông đông hơn cả. Các chàng trai, cô gái dùng tiếng khèn, tiếng hát để thể hiện tình cảm của mình. Những “Khâu xỉa plềnh”, “Già Xông”... mộc mạc mà chân thành, da diết mà tình cảm. Đó là những bản tình ca giản dị, say đắm. Những lời tỏ tình mộc mạc và dễ thương đã được những đôi trai gái trong đêm chợ thổi vào tình yêu chân thật như chính cuộc sống của họ...
Khách du lịch chen lẫn với các chàng trai, cô gái người Mông, Dao, Giáy, Lô Lô… như chảy về xã Khâu Vai. Mặc núi đá tai mèo, mặc núi cao suối sâu và những đoạn đường cua tay áo đầy nguy hiểm, họ náo nức, họ phấp phỏng… vì đêm nay sẽ là một đêm tình yêu lãng mạn thăng hoa, mỗi năm chỉ có một lần.
Không khí trong chợ Ảnh nguồn: Internet |
Tất cả đều cùng hướng về chợ tình, hướng về người mình đã yêu, đang yêu và sẽ yêu… như hướng về một nghi lễ thiêng liêng, trọng đại nhất. Khi ông mặt trời khuất sau mỏm núi phía Tây, sương giăng mù trời, những đống lửa lớn được đốt lên, những can rượu lớn được mang ra là lúc đêm tình Khâu Vai bắt đầu:
“Đêm nay đôi ta ngồi đã muộn
Gà gáy giục chín năm mười sáu tiếng
Đôi ta không có lòng thì thôi
Có lòng thì hãy mau mau cất tiếng lên giọng…”
Có tiếng cô gái đáp lại:
“Giờ này trời đã về khuya
Sao đã lượn vòng đổi ngôi
Sương đã phủ trắng
Em chỉ biết mình anh nhưng chưa biết tim anh…”
Chợ tình Khâu Vai mỗi năm chỉ họp một lần nhưng phiên chợ Khâu Vai thì họp năm ngày một phiên để phục vụ nhu cầu của đồng bào các dân tộc nơi đây. Chợ tình họp từ chập tối đến sáng ngày hôm sau là tan, từ sáng đến trưa lại họp bình thường như các chợ miền núi khác. Sáng sớm ngày 27 là lúc chợ tình có nhiều ý nghĩa nhất. Rượu đã hết, chợ đã tan, giờ chia tay đã đến... Ở ven đường, men theo các sườn núi, các vách đá... từng đôi nam nữ bịn rịn chia tay nhau. Họ hẹn hò gặp nhau vào một thời gian sớm nhất, còn nếu duyên chưa thắm thì hẹn đến phiên chợ tình năm sau...
Chảo thắng cố ở phiên chợ rẻo cao Ảnh nguồn: Internet |
Và cứ thế, chợ tình Khâu Vai đã trở thành một nét đẹp văn hóa, truyền thống, có ý nghĩa nhân văn, một điểm đến hấp dẫn mà khi nhắc đến Hà Giang chúng ta không thể không nhắc đến. Trải qua hàng trăm năm, xã hội phát triển đi lên, cuộc sống của người dân nơi đây cũng có nhiều thay đổi, nhưng chợ tình Khâu vai vẫn luôn tồn tại và mang trong mình sức hút đặc biệt, sức hấp dẫn khó tả. Dẫu đến một lần, nhưng chợ tình Khâu Vai Hà Giang sẽ mang đến cho du khách những cảm xúc mới lạ, những giây phút mơ màng đầy thi vị, những dư âm đặc biệt khó quên.
Tổng Hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét